Nhưng điểm mới Thông tư số 107/2017/TT-BTC về chế độ kế toán Hành chính, sự nghiệp.
Ngày 10/10/2017 Bộ tài chính ban hành Thông tư 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, thay thế chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư 185/2010/TT-BTC.
Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng cho: Cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành.
Thông tư đã kế thừa những ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế của Chế độ kế toán Hành chính, sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC (Quyết định 19) và Thông tư số 185/2010/TT-BTC (Thông tư 185) ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính. Trong đó chi tiết hơn một số Tài khoản, bổ sung nhiều Tài khoản mới, phương pháp hạch toán, nhằm phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh mà các quy định trước đó chưa đề cập đến đồng thời bổ sung một số loại sổ sách, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán tại đơn vị kế toán.
Cụ thể:
1.Về chứng từ kế toán:
Các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư này và không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.
Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại Thông tư này và các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật Kế toán.
2. Về tài khoản kế toán
Theo quy định tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC thì hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp do Bộ Tài chính quy định gồm 7 loại, từ Loại 1 đến Loại 6 là các tài khoản trong Bảng Cân đối tài khoản và Loại 0 là các tài khoản ngoài Bảng Cân đối tài khoản.
Theo quy định tại Thông tư này thì hệ thống tài khoản có nhiều sự thay đổi bao gồm 10 loại, trong đó:
Từ tài khoản loại 1 đến loại 9 được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản) dùng để kế toán tài chính phản ánh tình hình: tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán.
Tài khoản loại 0 là tài khoản ngoài bảng, được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản) dùng để kế toán thu, chi ngân sách nhà nước (gọi tắt là kế toán ngân sách) đối với các đơn vị được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Nếu một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh mà liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán tài chính và đồng thời hạch toán kế toán ngân sách.
3. Về sổ kế toán
Tất cả các nghiệp vụ tài chính và kinh tế phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán đều bắt buộc phải được ghi chép trong sổ kế toán. Đồng thời, phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng các nguồn ngân sách sử dụng từ nguồn viên trợ, trợ cấp từ bên ngoài.
Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
Đối với sổ kế toán có các mẫu sổ sau:
– Sổ Nhật ký: đây là loại sổ ghi lại các phát sinh về nghiệp vụ kinh tế tài chính theo thời gian.
– Sổ Cái: đây là loại sổ ghi lại các phát sinh về nghiệp vụ kinh tế tài chính theo nội dung kinh tế. Những số liệu ghi trên sổ này sẽ phản ánh rõ về tình hình tài sản các đơn vị cũng như nguồn kinh phí và tình hình sử dụng kinh phí của đơn vị hành chính, sự nghiệp.
– Sổ thẻ kế toán chi tiết: Đây là sổ ghi lại tình hình tài chính chi tiết nhất của các đơn vị hành chính, sự nghiệp và những điều này thì sổ Cái chưa phản ánh hết.
4. Về báo cáo quyết toán
So với Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC thì kỳ hạn lập báo cáo tài chính theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC có sự khác biệt, cụ thể:
Theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC thì việc lập báo cáo tài chính như sau: Báo cáo tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được lập vào cuối kỳ kế toán quý, năm. Báo cáo tài chính của các đơn vị, tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách được lập vào cuối kỳ kế toán năm; Các đơn vị kế toán khi bị chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm quyết định chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm quyết định chia, tách, sáp nhập, chấm dứt hoạt động.
Đối với Thông tư số 107/2017/TT-BTC thì kỳ hạn lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm (thời điểm 31/12) theo quy định của Luật Kế toán.
Ngoài ra báo cáo tài chính năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị cấp trên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
Đối với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước: Đơn vị lập báo cáo theo kỳ kế toán năm. Số liệu lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm là số liệu thu, chi của năm ngân sách, tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước (ngày 31/1 năm sau) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Báo cáo quyết toán kinh phí nguồn khác: Đơn vị lập báo cáo quyết toán năm. Đơn vị phải lập báo cáo quyết toán khi kết thúc kỳ kế toán năm (sau ngày 31/12). Trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó.
Trích :taichinh.danang.gov.vn
https://drive.google.com/file/d/1DRfZxs5XKxXDwLQWn4OMuka6V2p2dh_A/view